Chia sẻ kinh nghiệm mở quán phở cần những dụng cụ gì? Bao nhiêu vốn?

Kinh doanh quán ăn có thể được đánh giá là “một vốn bốn lời”, trong đó các quán phở đặc biệt được người dân Việt ưa thích bởi đây là món ăn truyền thống, đậm đà và phù hợp bắt đầu cho một buổi sáng. Thế nhưng mở quán phở để kinh doanh không phải là điều ai cũng có thể làm được thành công mà cần phải có bí quyết riêng để tồn tại và phát triển trước nhiều đối thủ. Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm mở quán phở cũng như giải đáp hàng loạt các thắc mắc như cần bao nhiêu vốn, chuẩn bị những thiết bị, vật dụng gì và những sai lầm cần tránh!

mo-quan-pho-01

Mở quán phở cần những gì?

Chi phí mở quán phở bao nhiêu là đủ?

Bất kỳ một công việc kinh doanh nào không chỉ riêng mở quán phở, cũng cần đầu tư rất nhiều các loại chi phí khác nhau. Quá nhiều loại chi phí như vậy khiến cho nhiều người “đau đầu” trong việc tính toán. Sẽ có những khoản chi phí cố định, cần đầu tư ngay từ ban đầu hay các chi phí khác có thể thay đổi theo thời gian.

Chi phí mặt bằng

Mặt bằng là yếu tố quan trọng nhất trong việc kinh doanh quán ăn. Một vị trí mặt bằng “đắc địa” sẽ cần rất nhiều chi phí để đầu tư. Điều quan trọng là cần đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê ở mức chi phí đầu tư hợp lý bởi đa số các quán kinh doanh mới thường “rót cạn vốn” cho việc thuê mặt bằng. Ngoài ra cũng cần tham khảo nhiều vị trí khác nhau cũng như giá cho thuê mặt bằng nhìn chung để đưa ra lựa chọn chính xác.

mo-quan-pho-02

Mặt bằng mở quán phở càng lớn, vị trí càng thuận lợi thì chi phí thuê càng cao (ảnh minh họa)

Thông thường, chi phí thuê mặt bằng có thể từ 10 – 15 triệu đồng cho diện tích khoảng từ 30 – 50m2. Và người đi thuê sẽ cần đặt cọc trước từ 3 – 6 tháng tùy theo thỏa thuận cho thuê. Vậy tính ra chi phí đầu tư mặt bằng ban đầu sẽ rơi vào khoảng 30 – 90 triệu đồng, chi phí này còn tùy thuộc vào vị trí mở quán ở vùng ven hay nội thành, mặt bằng lớn hay nhỏ,…

Chi phí cơ sở vật chất tại quán phở

Bàn ghế phục vụ khách

Nội thất bên trong quán sẽ giúp định hình phong cách mà quán muốn hướng đến. Nếu quyết định kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, bàn ghế sẽ cần đầu tư tốt hơn:

– Bộ bàn ghế inox có giá dao động trong khoảng từ 500.000 – 800.000/bàn và giá ghế tính riêng từ 60.000 – 80.000/chiếc.

– Bộ bàn ghế gỗ thì có giá rơi vào khoảng 1.200.000 đồng cho một bộ gồm 1 bàn và 4 ghế.

Thiết bị, dụng cụ nấu phở và phục vụ

Trước đây, các quán phở khi kinh doanh sẽ thường sử dụng chủ yếu bếp than để tiết kiệm chi phí. Thế nhưng phương pháp này đã dần được thay thế bởi các loại bếp công nghiệp với chi phí khoảng từ 1 triệu cho bếp đơn và 2 – 3 triệu cho bếp đôi, bếp 3 họng. Ngoài ra cần đầu tư chi phí cho một bộ nồi nấu phở chuyên dụng bao gồm: nồi ninh xương, nồi nấu nước dùng và nồi nhúng bánh phở với chi phí dao động từ 8 – 12 triệu đồng. Ngoài ra, căn bếp của quán phở cũng sẽ cần trang bị thêm nhiều thiết bị, dụng cụ bếp như: bát, đũa, muỗng, các loại chai lọ đựng gia vị, dao thớt, tủ lạnh, tủ mát bảo quản,…

Để phục vụ món ăn đến khách hàng không thể thiếu các dụng cụ: bát, đũa, muỗng, dĩa, lọ gia vị, hộp khăn giấy, hộp đựng tăm, rổ đựng rau, bộ ấm chén,… Tổng chi phí cho các đồ dùng phục vụ này có thể rơi vào khoảng 5 – 7 triệu đồng.  

Quạt, điều hòa cho mùa hè nóng nực

Không gian mát mẻ, thoáng đãng sẽ mang lại cảm giác thoải mái, giúp khách hàng tận hưởng món ăn hơn. Dù không gian quán nhỏ hay lớn đều sẽ cần trang bị hệ thống quạt hoặc điều hòa để tạo bầu không khí mát mẻ, dễ chịu đặc biệt là vào những ngày nóng bức mùa hè. 

– Đối với quạt: nên chọn loại quạt treo vừa mát trên diện rộng lại tiết kiệm không gian. Giá một chiếc quạt treo dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/cái. Với diện tích trung bình 50m2 sẽ cần lắp đặt khoảng 4 chiếc quạt treo tường.

– Với điều hòa: chi phí đầu tư cho một chiếc điều hòa trong khoảng từ 6 triệu – 10 triệu đồng. Thiết bị này vừa giúp mang đến hơi lạnh mát mẻ vừa giúp lọc không khí, mang đến không gian sạch, không quá ám mùi.  

mo-quan-pho-03

Hệ thống quạt – điều hòa không khí tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ (ảnh minh họa)

Các chi phí phát sinh khác

Mặt bằng quán khi thuê lại có thể sẽ cần sang sửa sao cho phù hợp với mô hình kinh doanh của quán. Có thể phát sinh chi phí sơn sửa, trang trí và mua thêm các đồ dùng, vật dụng bày trí. Ngoài ra còn cần đầu tư một khoản để làm biển hiệu, lắp thêm đèn, thiết kế menu,… Tổng chi phí phát sinh cũng có thể lên đến 5 – 7 triệu đồng.

Chi phí nguyên liệu để nấu phở

Đây là khoản phí dao động từng ngày phụ thuộc vào lượng khách tối đa mà quán phục vụ. Nếu một ngày quán phở chỉ phục vụ dưới 100 khách thì chi phí nhập nguyên liệu tươi sống mỗi ngày sẽ dao động từ 3 – 5 triệu đồng. Các nguyên liệu dễ bảo quản như bún miến khô, mì khô hay rau tươi có thể mua trữ số lượng lớn dùng trong nhiều ngày liên tục. 

Như vậy, với dự trù kinh phí tham khảo như trên, những người muốn mở quán phở kinh doanh có thể tính được số vốn trung bình cần đầu tư ban đầu ở mức tối thiểu là 80 triệu đồng. Ngoài ra, ở 1 – 2 tháng đầu hoạt động cần có khoảng dự trù kinh phí tầm 80 – 100 triệu đồng. 

Chia sẻ mở quán phở cần những gì cho người mới kinh doanh

1. Xác định mô hình kinh doanh quán phở

Bất cứ công việc kinh doanh nào không chỉ riêng mở quán phở, điều trước tiên cần làm chính là xác định đối tượng khách hàng cụ thể từ đó xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. Để làm được điều này cần trả lời chi tiết cho câu hỏi: Đối tượng khách hàng mục tiêu của quán là ai? Bước đầu cần nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh cũng như thị hiếu của khách hàng và phân khúc thị trường thành những tệp khác nhau dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, giới tính, thu nhập,… Tiếp theo đó sẽ chọn ra một tệp khách hàng mục tiêu, đây là nhóm khách hàng tiềm năng mà quán có thể đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất. Cụ thể: 

– Nếu mở quán phở để phục vụ cho đối tượng khách hàng bình dân, phục vụ nhu cầu ăn sáng, ăn trưa thường ngày thì mô hình kinh doanh của quán phở sẽ đơn giản, không cần bày trí quá cầu kỳ. Điều này là bởi khách hàng đến quán chủ yếu không có quá nhiều thời gian, chọn quán với tiêu chí phục vụ nhanh và do đó không quá quan tâm đến không gian hay hình thức trang trí. 

mo-quan-pho-04

Một quán phở bình dân với cách bày trí khá đơn giản và mộc mạc (ảnh minh họa)

Với đối tượng khách hàng cao cấp hơn như khách nước ngoài, khách du lịch hay phân khúc khách hàng thu nhập cao thì khi mở quán phở sẽ chú trọng hơn đến mặt không gian, hình thức. Quán sẽ cần có không gian rộng rãi, thoáng mát, bày trí bàn ghế đảm bảo tính riêng tư cho khách hàng khi đang dùng bữa. Đồng thời cần tạo điểm nhấn với cách trang trí mới lạ, độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. 

mo-quan-pho-05

Quán phở lớn, sang trọng với bàn ghế và nội thất hiện đại (ảnh minh họa)

2. Chuẩn bị bí quyết về công thức nấu phở riêng.

Chuỗi các nhà hàng hay quán phở thành công trong kinh doanh nổi tiếng là nhờ vào công thức chế biến riêng cho món phở của mình. Đây là lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ và công thức này cũng chỉ được nắm giữ bởi 1 hoặc 2 người quan trọng nhất, không bao giờ được để lộ ra ngoài.

Và để có được một bí quyết riêng trong công thức nấu ăn, người đứng bếp trước hết cần có kiến thức cơ bản về món phở, cần trải nghiệm qua nhiều công thức nấu ăn khác nhau. Thêm vào đó, cần thử nghiệm nhiều cách làm mới để cuối cùng cho ra công thức nấu ăn riêng, bí quyết tạo nên sự đặc biệt cho món phở của quán. Nhìn chung, thực khách sẽ ưa thích thưởng thức một bát phở với nước lèo trong mà hương vị đậm đà, không quá ngọt hay mặn và đặc biệt không lạm dụng mì chính, không tốt cho sức khỏe. 

3. Cách bày trí và tông màu chủ đạo của quán

Dựa theo mô hình kinh doanh đã được xác định ngay từ đầu mà lên ý tưởng về mặt bày trí và tông màu chủ đạo của quán. Về tông màu chủ đạo, khi mở quán phở nên chú trọng đến những màu sắc kích thích vị giác của thực khách như đỏ, vàng, xanh lá,… Hoặc có thể chọn màu sắc chủ đạo hợp mệnh phong thủy của chủ quán. 

Tiếp theo là bày trí quán ăn sao cho phù hợp: 

– Với mô hình mở quán phở bình dân, không cần quá đầu tư vào bàn ghế cao cấp mà chỉ cần bày trí bàn ghế gọn gàng, sạch sẽ, không quá chật chội. Không gian quán có thể trang trí thêm các hình ảnh đồng quê, nón lá hoặc thông điệp muốn truyền tải đến khách hàng.

– Với mô hình kinh doanh cao cấp hơn có thể đầu tư làm một khu bếp mở sạch sẽ, chuyên nghiệp để thực khách dễ dàng quan sát quá trình chế biến, bàn ghế cũng cần đầu tư vào loại cao cấp, không gian có thể trang trí thêm tranh ảnh, chứng nhận vệ sinh thực phẩm hay hình ảnh đẹp về món ăn,…   

mo-quan-pho-06

Bày trí, thiết kế với tông màu bắt mắt sẽ kích thích ăn uống phía thực khách (ảnh minh họa)

Đặc biệt nếu muốn mở rộng kinh doanh và phát triển thành chuỗi cửa hàng sau này thì sẽ cần tạo ra điểm nhấn trong cách trang trí, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu của quán và tạo ra sự khác biệt so với đối thủ. 

4. Chuẩn bị tiền vốn

Đây có lẽ là phần khiến cho nhiều người phải băn khoăn, tính toán. Như phần đầu đã đề cập, khi mở quán phở sẽ cần đầu tư hàng loạt các chi phí khác nhau. Tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố mà vốn đầu tư có thể dao động từ 80 triệu đồng đến vài trăm triệu. Nếu hướng tới mục tiêu hoạt động lâu dài cũng như mở chuỗi cửa hàng thì nên đầu tư nhiều vốn hơn cho cửa hàng ban đầu. 

5. Chọn mặt bằng mở quán phở phù hợp  

Chọn mặt bằng mở quán sao cho phù hợp chính là điều mà nhiều người quan tâm khi có ý định kinh doanh. Không dễ để có thể chọn được một “vị trí đắc địa”, điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm, khảo sát và ra quyết định. Có một vài yếu tố sau đây mà người mở quán phở sẽ cần tham khảo:

– Mặt bằng rộng rãi, thoáng mát: bởi phở không chỉ là món ăn bán mang đi mà còn phục vụ phần nhiều là ăn tại chỗ nên một không gian rộng rãi, thoáng mát, đủ để đặt nhiều bộ bàn ghế phục vụ thực khách là điều cần thiết. 

– Văn hóa ăn hàng quán: nhiều người có lẽ sẽ nhầm tưởng nơi nào đông dân cư, nhiều người qua lại chắc chắn sẽ có văn hóa ăn hàng quán. Điều này là không đúng hoàn toàn bởi khu vực đông dân cư nhưng các gia đình lại có thói quen ăn sáng ăn trưa tại nhà thì quán cũng sẽ không có nhiều khách. Thay vào tự phán đoán, hãy khảo sát thực tế các khu vực vào các khung giờ khác nhau để nắm được nhu cầu của khách hàng. Thường sẽ nên chọn các vị trí mặt bằng gần trường học, bệnh viện hay tòa nhà văn phòng,…

Chỗ để xe thoải mái: đây là yếu tố khá quan trọng khi kinh doanh bất kỳ loại hình nào. Tìm kiếm mặt bằng có chỗ để xe rộng rãi, thoải mái, đặc biệt là ở thành phố đông đúc, chật hẹp thật là điều không phải dễ dàng. Thế nhưng ít nhất vị trí kinh doanh cũng cần có chỗ để xe đủ sức chứa, không gây khó chịu cho thực khách khi phải chờ đợi. 

– Chi phí thuê mặt bằng: tùy thuộc vào lượng vốn đầu tư ban đầu mà chọn được mặt bằng với chi phí phù hợp. Nếu không có quá nhiều vốn đầu tư, có thể cân nhắc chọn mở quán phở ở các khu vực vùng ven, ngoài rìa trung tâm. 

6. Chọn dụng cụ và nồi nấu nước phở

Để mang đến những bát phở thơm ngon, đậm vị mà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên lựa chọn sử dụng các dụng cụ chất lượng. Đối với món phở sẽ cần sử dụng bộ nồi chuyên dụng gồm nồi ninh xương, nồi nấu nước lèo và nồi nhúng bánh phở. Bên cạnh đó, nếu quán có điều kiện thì nên đầu tư thêm quầy chế biến bằng inox 304 cao cấp với giá thành dao động từ 10 – 20 triệu đồng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh ẩm thực chuyên nghiệp đều trang bị loại quầy chế biến này, vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa có độ bền cao.

mo-quan-pho-07

Bộ nồi nấu phở – trụng bánh phở chuyên dụng sẽ giúp cho ra món ăn thơm ngon (ảnh minh họa)

7. Nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm khi mở quán phở

Một yếu tố không thể bỏ qua để mang đến những bát phở ngon ngọt, tròn vị chính là nguồn nguyên liệu chế biến nên món ăn này. Và để có được chất lượng đảm bảo, việc hợp tác lâu dài với các “mối” cung cấp thực phẩm tươi sạch mà giá cả phải chăng là điều cực kỳ quan trọng. Và quan trọng hơn cả lợi nhuận, phải đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, đừng ham rẻ mà chọn những nguyên liệu, thực phẩm kém chất lượng, thiếu tươi ngon. Khách hàng sẽ không ngần ngại bỏ ra 40.000 – 50.000 đồng cho một bát phở ngon, sạch và đảm bảo an toàn sức khỏe. 

8. Chọn bát đũa và các dụng cụ khác trong quán

Bên cạnh nội thất trang trí như bàn ghế thì các dụng cụ phục vụ món ăn như bát đũa cũng giúp định hình phong cách phục vụ của quán. Đa phần các quán ăn sẽ chọn loại bát trắng đơn giản mà sạch sẽ, tạo sự đẹp mắt cho món ăn. Các quán phở đi theo phong cách riêng, mang đặc trưng vùng miền thì có thể chọn các chất liệu như sành sứ hoặc gốm với hoa văn đẹp mắt, mang đến nét đẹp văn hóa truyền thống. 

Bộ bát đũa còn có thể in logo, tên thương hiệu của quán để tăng thêm độ nhận diện trong tâm trí của khách hàng. Ngoài ra, cách làm này cũng giúp ích cho việc quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Bộ đũa muỗng thì nên chọn các chất liệu bền bỉ, an toàn vệ sinh như inox không gỉ hoặc nhựa cao cấp. Không nên chọn các loại muỗng đũa nhựa giá quá rẻ, vừa mau hư hỏng lại kém an toàn cho sức khỏe người dùng. 

mo-quan-pho-08

Bát phở có in logo sẽ là phương tiện giúp tăng nhận diện thương hiệu đến khách hàng (ảnh minh họa)

9. Tuyển và đào tạo nhân sự phục vụ quán phở chuyên nghiệp

Một quán phở dù cho đạt tiêu chí về chất lượng, hương vị, không gian quán đẹp hay được nhiều người biết đến nhưng nhân viên phục vụ thiếu chuyên nghiệp, thái độ “lồi lõm” với khách cũng sẽ không phát triển được. Phong thái phục vụ, thái độ của nhân viên gần như quyết định hơn 50% cảm nhận của khách hàng về quán ăn. Chính vì vậy, việc mở quán phở hay bất kỳ loại hình kinh doanh nào khác cũng đều cần chú trọng vào khâu tuyển dụng và đào tạo. 

– Nhân viên phục vụ cần nhanh nhẹn, linh hoạt, cẩn thận trong khâu bưng bê, lau dọn.

– Vẻ ngoài cần sạch sẽ, gọn gàng, tác phong chỉn chu.

– Nhân viên bếp thì cần đảm bảo đầu tóc gọn gàng, trang phục bếp đúng chuẩn (đội mũ, đeo tạp dề, găng tay).

– Thái độ phục vụ khách hàng luôn niềm nở, nhiệt tình và thân thiện. 

mo-quan-pho-09

Nhân viên phục vụ với thái độ thân thiện, chuyên nghiệp sẽ làm hài lòng khách hàng (ảnh minh họa)

Bên cạnh việc tuyển dụng và đào tạo, các chủ quán ăn cũng nên thường xuyên khen thưởng, tuyên dương thái độ làm việc tích cực của các nhân viên. Nhờ đó, tạo cảm giác thoải mái, khích lệ tinh thần làm việc và tăng sự trung thành của nhân viên với quán. 

10. Kiểm soát dòng tiền khi kinh doanh quán phở

Trong 1 – 2 tháng đầu mở quán phở, rất khó để có thể kiểm soát hoàn toàn nguồn thu chi bởi lúc này quán chưa đi vào hoạt động ổn định. Vài tháng tiếp theo sẽ bắt đầu phát sinh thêm nhiều sai lệch trong quản lý dòng tiền nếu không quản lý chặt chẽ. Sự sai lệch ở đây có thể bắt nguồn từ: sai sót của thu ngân, thu chi không được ghi chép lại, gian lận từ phía nhân viên,… 

Để giải quyết được các vấn đề cũng như kiểm soát thu chi chính xác hơn cần sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng, máy pos thu ngân hoặc camera giám sát riêng,… Trường hợp nghi ngờ gian lận có thể check thủ công qua camera để phát hiện kịp thời, tránh tổn thất về lâu dài. 

Những sai lầm mà chủ quán phở hay mắc phải

Không phải cứ kinh doanh là có thể “một vốn bốn lời”, nhiều chủ quán ăn vì mắc những sai lầm không đáng có mà dẫn đến việc kinh doanh thất bại. Lưu ý ngay những sai lầm sau đây để không mắc phải:

– Bỏ qua chi phí dự phòng: vốn đầu tư ban đầu để mở quán phở rơi vào khoảng 80 triệu đồng thì số vốn nên bỏ ra sẽ là 100 – 120 triệu đồng. Khoảng vốn này đã bao gồm chi phí dự phòng được sử dụng để duy trì và bù lỗ trong thời gian đầu hoạt động. Nhờ đó giúp quán ăn có thể trang trải đủ chi phí cho những tháng đầu, dần dần cải thiện được hoạt động sau một thời gian nhất định.

– Chỉ hợp tác với 1 nhà cung ứng nguyên liệu: đây là việc làm cực kỳ sai lầm, không nên chỉ hợp tác với 1 nhà cung ứng mà còn phải có các phương án B, C, D để phòng trường hợp rủi ro, nhà bán A cắt hợp đồng hoặc ép giá.  

Ham nguyên liệu giá rẻ: yếu tố kinh tế có lẽ là điều dễ che mờ con mắt của những người kinh doanh. Nhiều người lựa chọn hướng kinh doanh thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng, đánh đổi cả sức khỏe của người dùng để thu lời. Nhưng kết quả thu được cuối cùng cũng chỉ là sự tẩy chay, lên án của khách hàng. 

– Quản lý nhân sự kém: một quán ăn không thể thành công nếu không có sự góp sức của các nhân viên, nhưng chính họ cũng có thể là yếu tố dẫn đến sự thất bại của hoạt động kinh doanh. Biết nhìn người và đặt đúng người đúng chỗ sẽ làm nên thành công cho một cơ sở kinh doanh. 

– Yếu kém trong quản lý thu chi: sẽ dẫn đến thất thoát chi phí một cách khó hiểu, về lâu dài gây ra tổn thất nặng cho hoạt động kinh doanh. 

– Khai trương ồ ạt chuỗi cửa hàng: nhiều thương hiệu khi đã có được danh tiếng liền mở ồ ạt thêm nhiều chi nhánh, dẫn đến chất lượng phục vụ không được đồng bộ, thiếu sự kiểm soát làm mất danh tiếng ban đầu. 

– Không đảm bảo an toàn vệ sinh: đặt mình vào vị trí khách hàng để hiểu rằng ai cũng muốn được thưởng thức món ăn ngon trong một không gian quán sạch sẽ cả từ bàn ghế, bát đũa muỗng và cả món ăn. 

Kết

Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều thông tin hữu ích và kinh nghiệm quý báu cho ý tưởng mở quán phở kinh doanh. Ngay cả những người có nhiều kinh nghiệm hay người mới bắt đầu kinh doanh cũng sẽ cần đến những thông tin cơ bản như cần bao nhiêu vốn, đầu tư những gì hay các bước thực hiện kinh doanh quán phở thành công. Và đừng quên kinh doanh cũng cần đặt vào đó cái tâm cũng như tâm huyết nuôi dưỡng quán ăn ngày một phát triển. 

Dựa trên tiềm lực hiện có về cơ sở vật chất và con người Hùng Cường tin rằng sẽ mang đến cho quý khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.